Căn cứ ly hôn theo pháp luật còn nhiều vướng mắc
Ly hôn từ lâu đã là một vấn đề pháp lý có tính chất phức tạp và tồn tại nhiều vướng mắc. Khi phải tiến hành những hoạt động pháp lý liên quan tới lĩnh vực này, không ít người gặp rất nhiều khó khăn, rắc rối, trong đó có việc áp dụng căn cứ ly hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) 2014.
Đời sống HN&GĐ luôn là vấn đề rất nhạy cảm và phức tạp. Khi đời sống hôn nhân không thể duy trì được nữa thì ly hôn là giải pháp cần thiết cho cả đôi bên vợ chồng. Dù quan hệ gia đình có đổ vỡ thì sự bình đẳng về quyền và lợi ích giữa vợ và chồng vẫn cần được bảo đảm. Bởi vậy, Luật HN&GĐ 2014 được ban hành với 133 điều quy định về các vấn đề liên quan đến đời sống gia đình, là căn cứ pháp lý để tòa án giải quyết các vụ việc một cách thấu tình đạt lý. Tuy nhiên, trên thực tế, khi tình trạng ly hôn ngày càng có xu hướng gia tăng thì việc áp dụng pháp luật trong giải quyết ly hôn cũng dần bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, nhất là trong áp dụng các căn cứ ly hôn.
Thạc sĩ Đặng Thị Ngọc Ánh, Thư ký Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), chia sẻ: Các căn cứ ly hôn được quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật HN&GĐ 2014 là cơ sở pháp lý và chỉ khi có các điều kiện đó thì tòa án mới có thể giải quyết ly hôn. Mặc dù đã có nhiều văn bản hướng dẫn áp dụng về vấn đề này nhưng những quy định về căn cứ ly hôn hiện nay còn mang tính chung chung, thiếu chi tiết. Nội dung căn cứ ly hôn chưa được định lượng nên nhận định của thẩm phán khi giải quyết vụ việc chưa thống nhất, đồng bộ. Trong một số trường hợp, có sự nhầm lẫn giữa căn cứ ly hôn với nguyên nhân ly hôn và động cơ ly hôn, dẫn đến không bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan.
Cụ thể, bất cập việc đánh giá tình trạng trầm trọng của hôn nhân trong trường hợp ly hôn theo yêu cầu của vợ hoặc chồng. Khoản 1, Điều 56 Luật HN&GĐ 2014, quy định: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”.
Đây là một quy định mới, mang tính khái quát cao. Tuy nhiên, việc quy định về căn cứ ly hôn thể hiện yếu tố tình cảm vẫn còn chung chung. Khi giải quyết các trường hợp cụ thể, với sự đa dạng của cuộc sống, thì mỗi cặp vợ chồng, mỗi vụ án ly hôn thường có mâu thuẫn cũng như hoàn cảnh không giống nhau. Trong khi đó, không có căn cứ rõ ràng để xác định thế nào là “làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”, thế nào là hành vi “vi phạm nghiêm trọng” nên việc xem xét, đánh giá căn cứ trên là rất khó khăn. Vì pháp luật quy định không rõ ràng, cụ thể các căn cứ ly hôn, nên thực tiễn xét xử phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực của thẩm phán. Có thể cùng một hiện tượng nhưng thẩm phán có nhiều cách lý giải khác nhau, từ đó hướng giải quyết vụ việc cũng khác nhau.
Ngoài ra, nói về những khó khăn trong việc áp dụng pháp luật giải quyết ly hôn, Luật sư Trần Văn Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, chia sẻ: “Luật HN&GĐ 2014 không quy định ly thân là căn cứ cho ly hôn. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, các tòa án thường đánh giá ly thân là căn cứ để giải quyết cho ly hôn. Vấn đề này không được luật quy định nên gây khó khăn trong cả việc xác định vợ, chồng nào đó có trong tình trạng ly thân hay không. Mặt khác, không xác định được thời gian ly thân, nên việc giải quyết án ly hôn thường phải kéo dài khiến cho nhiều đương sự gặp khó khăn trong việc xây dựng cuộc sống mới”.
Thêm nữa, tại Khoản 1, Điều 51 Luật HN&GĐ 2014, quy định: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn”. Theo quy định trên thì vợ hoặc chồng đều có quyền đơn phương yêu cầu ly hôn khi thấy cuộc sống hôn nhân của mình không thể kéo dài. Trên thực tế, rất nhiều trường hợp một bên đơn phương xin ly hôn, bên kia không đồng ý, đã tìm mọi cách gây khó khăn, cản trở, khiến việc ly hôn kéo dài, phức tạp… Giải quyết được những vụ việc như thế phải mất nhiều thời gian, công sức của đương sự và tòa án.
Chính vì vậy, cần thiết phải có văn bản cụ thể hóa các tiêu chí về căn cứ ly hôn và công nhận ly thân, xem ly thân là một trong những căn cứ cho ly hôn để áp dụng giải quyết các vướng mắc về ly hôn trong thực tiễn, bảo đảm hài hòa về quyền và lợi ích của các bên.